The “New” National Security Strategy

<--

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ – Thay đổi và bất biến

15:17′ 28/05/2010 (GMT+7)

Cũng như người tiền nhiệm, vừa qua, Tổng thống Mỹ B.Obama chọn Học viện quân sự West Point, bang New York để tuyên bố về kế hoạch xem xét một chiến lược an ninh mới cho nước Mỹ với những điểm khác biệt trên nền tảng cơ bản bất biến.

Nếu như cựu Tổng thống George W. Bush chú trọng sức mạnh đơn phương và quyền đánh đòn phủ đầu của nước Mỹ thì (dường như) chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Barack Obama có điều chỉnh lớn. Khác với chiến lược đơn phương trước đây, chiến lược an ninh mới của Tổng thống B. Obama chú trọng hơn đến tìm kiếm sự đồng thuận, hay “cam kết và đối thoại”.

Điểm khác biệt lớn nhất của “học thuyết Obama” là ý thức coi trọng giá trị của sự hợp tác toàn cầu, xây dựng các quan hệ đối tác an ninh rộng hơn và giúp các quốc gia khác tự bảo vệ mình. Ông B. Obama khẳng định “cần có sự góp sức của tất cả các bên để giải quyết những mối đe dọa mới nhất của thế giới, như chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu…”. . Ông cũng thừa nhận nước Mỹ đã không thành công khi bước ra khỏi các xu thế hợp tác. Tổng thống Obama cũng cho rằng: Mỹ phải xây dựng năng lực và hòa nhập nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia. Theo đó, nước Mỹ cần có các nhà ngoại giao biết đổi mới cách thức can dự của mình. Khủng hoảng kinh tế thế giới với tốc độ hồi phục chậm chạp, “bóng ma” khủng hoảng nợ ở châu Âu, chủ nghĩa khủng bố với tần suất hoạt động nội địa gia tăng… dường như được chính quyền của Tổng thống Mỹ nhìn nhận lại dưới những khái niệm mới và mở rộng hơn.

Tổng thống Obama khẳng định, chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của ông dự kiến công bố tuần này sẽ bao gồm 4 nguyên tắc. Đó là: xây dựng sức mạnh bên ngoài bằng cách xây dựng sức mạnh từ bên trong thông qua giáo dục, năng lượng sạch và đổi mới, thúc đẩy “các cam kết ngoại giao mới” và ủng hộ phát triển quốc tế. Còn cụm từ “trật tự quốc tế mới” theo ông Obama đó là trật tự có thể giải quyết những thách thức của thời đại như ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các cuộc nổi dậy, chặn đứng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và bảo đảm an toàn nguyên liệu hạt nhân, chống biến đổi khí hậu và duy trì sự phát triển bền vững toàn cầu, hỗ trợ các nước, tránh xung đột và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Lần đầu tiên, chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đưa chủ nghĩa khủng bố có nguồn gốc nội địa vào danh mục các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, cùng với khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí hạt nhân, bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu toàn cầu và sự xói mòn các giá trị tự do, dân chủ ở nước ngoài. Cựu Tổng thống Bill Clinton không hề đề cập tới khủng bố có nguồn gốc nội địa trong chiến lược an ninh quốc gia năm 1998, mặc dù cách đó 3 năm vừa xảy ra vụ đánh bom Thành phố Oklahoma. Cựu Tổng thống Bush cũng chỉ nhắc qua tới khái niệm này trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2006.

Với thông điệp đáng chú ý ở West Point, một lần nữa ông Obama đã khẳng định đặt quan hệ quốc tế vào vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại. Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Obama đã thực hiện một số bước đi thể hiện chiến lược này, như củng cố quan hệ với châu Âu, “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thúc đẩy mạnh mẽ việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông và tham vấn với nhiều nước khác trong việc xây dựng một lộ trình tiêu diệt lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan. Rõ ràng là, Mỹ sẽ không thể “đơn thương độc mã” trên trường quốc tế, không thể giải quyết các vấn đề toàn cầu theo cách của mình. Điều đó cũng có nghĩa là chính quyền của ông B. Obama đã nhìn nhận xu hướng đa cực trong quan hệ quốc tế với con mắt thực tế hơn.

Sự thay đổi đó là hướng tới hợp tác toàn cầu dựa trên các cam kết ngoại giao thay cho hành động đơn phương. Như phân tích của nhà báo Michael Scherer về sự thay đổi này trên tờ Time, thì điều này có nghĩa là “ý tưởng bảo thủ cũ về tính siêu việt của Mỹ, nhằm đặt nước Mỹ lên một bình diện cao hơn phần còn lại của thế giới đã bị vứt bỏ”.

Tuy nhiên, chiến lược an ninh mới vẫn không thay đổi nền tảng cơ bản. Đó là, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, với khả năng và tầm hoạt động không nước nào có thể vượt qua, bất chấp sức mạnh đó bị dàn trải bởi hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan cùng nhiều thách thức khác./.

About this publication