Global Energy and Security Cooperation between U.S. and Russia

<--

Hợp tác năng lượng Nga – Mỹ và vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu

18:11 | 07/07/2010

(ĐCSVN) – Gần đây, quan hệ năng lượng Nga – Mỹ đã có những thay đổi căn bản. Mỹ đã điều chỉnh quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với các vấn đề quốc tế lớn như an ninh năng lượng, thay đổi khí hậu. Còn Nga mở cửa với đối tác và mời các công ty Mỹ tham gia nghiên cứu, khai thác các nguồn năng lượng của Nga.

Nga và Mỹ giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của thế giới. Nga là nhà cung cấp các nguồn năng lượng lớn, duy trì hệ thống cung cấp năng lượng tại châu Âu và phạm vi ảnh hưởng của mình. Mỹ là một siêu cường về kinh tế và chính trị của thế giới, là nhập khẩu năng lượng lớn. Dầu mỏ và khí đốt là các nguồn năng lượng toàn cầu chính hiện nay. Khách hàng chính đối với các nguồn năng lượng này là các nước công nghiệp phát triển và các nước lớn với các nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng như Trung Quốc, Ấn Độ. Trong tương lai, nhu cầu năng lượng sẽ tăng mạnh và nguy cơ đối với vấn đề an ninh năng lượng cũng tăng lên.

Sự hợp tác năng lượng giữa Nga và Mỹ là hết sức cần thiết, nó giúp duy trì vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu. Nếu thiếu sự hợp tác này, các vấn đề sẽ được giải quyết không theo nguyên tắc, thế giới sẽ lại bị sốt vì giá dầu tăng cao và có thể tiếp tục lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới quan hệ Nga – Mỹ là cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng về giá năng lượng trên thế giới. Hiện Mỹ giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng bởi Oa-sinh-tơn đã tìm ra các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên và tiếp tục tìm kiếm các nguồn năng lượng tiềm năng mới. Ngoài ra, để duy trì giá dầu trên thị trường thế giới, Mỹ sử dụng các biện pháp chế áp về chính trị và kinh tế đối với tất cả các nước xuất khẩu để các nước này bỏ qua mọi rào cản đối với Mỹ.

An ninh năng lượng toàn cầu là vấn đề mang tính hệ thống. Để giải quyết thỏa đáng vấn đề trên, cần có sự kết hợp giữa các nước sản xuất năng lượng, các nước nhập khẩu năng lượng và các quốc gia trung chuyển năng lượng, bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, các nước thành viên EU, Ấn Độ, các quốc gia Ả rập. Để có sự thống nhất trên, trước tiên cần có sự hợp tác về mặt năng lượng giữa Nga và Mỹ cũng như quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này.

Nga và Mỹ cần thiết lập các nhóm làm việc chung trong lĩnh vực năng lượng, đưa ra quy chế cho các nhóm này nhằm thiết lập sự ổn định chiến lược về mặt năng lượng trong khuôn khổ các cuộc “hội đàm bốn Bộ” (với sự tham gia của Bộ trưởng các bộ Ngoại giao; Quốc phòng; Năng lượng; Thương mại).

Ngoài ra, vai trò của các cuộc tiếp xúc giữa các Tổng thống, các Ủy ban liên Quốc hội hai nước cũng rất quan trọng để đảm bảo các bên tiến hành hợp tác theo đúng quy trình và luật lệ quốc tế.

Đối với Nga, việc phát triển các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực năng lượng sẽ là nhiệm vụ then chốt. Đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế và củng cố vị thế chính trị của Mát-xcơ-va mà còn là nhiệm vụ mang tính toàn cầu – đảm bảo tính ổn định và cân bằng trong lĩnh vực năng lượng trên toàn thế giới. Nga và Mỹ cần thúc đẩy vấn đề đối thoại năng lượng với việc kêu gọi các cường quốc năng lượng khác tham gia. Điều này không chỉ phản ánh các lợi ích kinh tế và địa chính trị của hai nước mà còn tạo các điều kiện cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu./.

Các từ khóa theo tin:

T.C (tổng hợp)

About this publication