Don't Let the Wealth Gap Become a Weapon

<--

Để khoảng cách không thành “vũ khí”

Trong khi Chính phủ Mỹ tiếp tục vật lộn với vấn đề nâng mức trần nợ công, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew-một công ty tư vấn độc lập của Mỹ-cho biết, sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ và cuộc suy thoái sau đó đã đẩy khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tăng lên mức cao nhất trong 25 năm qua.

Qua các biến cố kinh tế, số hộ trung lưu đã giảm mạnh ở cả 3 nhóm người trong xã hội Mỹ: da trắng, da màu và người Hispanic. Theo nghiên cứu trên, nhóm Hispanic chịu thiệt hại nặng nhất, với số hộ giàu trung bình giảm tới 2/3 trong khoảng thời gian từ 2005-2009, so với mức giảm hơn 50% ở nhóm người da màu và 16% ở nhóm người da trắng. Khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ hiện đang ở mức lớn nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu công bố các số liệu về lĩnh vực này cách đây 25 năm, và tăng khoảng hơn gấp 2 lần so với mức trước cuộc khủng hoảng 2007-2009.

Nếu như vào năm 2005, một hộ gia đình Hispanic điển hình ở Mỹ có thể kiếm trên 18.000 USD/năm thì năm 2009, con số này giảm xuống chỉ còn 6.325 USD/năm. Thu nhập các hộ gia đình người da màu bị giảm 53%, từ khoảng 12.000 USD năm 2005 xuống 5.677 USD/năm vào năm 2009. Trong xu hướng giảm chung này, các hộ gia đình da trắng chịu tác động nhẹ nhất với 134.992 USD/năm xuống 113,149 USD/năm.

Pew đánh giá sự sung túc của một hộ gia đình dựa trên tổng giá trị các tài sản như: nhà cửa, ô tô, tiền tiết kiệm, tài khoản thẻ, cổ phiếu, tiền hưu trí và các khoản đầu tư khác, trừ đi tổng các khoản nợ, trong đó có cả các khoản thế chấp, vay mua ô tô và nợ thẻ tín dụng. Kết luận của Pew chỉ ra rằng giá nhà lao dốc là nguyên nhân cơ bản gây nên sự sụt giảm tài sản ở người dân Mỹ.

Theo bộ chỉ số giá nhà quốc gia Case-Shiller, giá nhà đất tại Mỹ đã giảm 27,3% trong khoảng thời gian từ quý IV năm 2005 tới quý IV năm 2009. Các bang tập trung đông người Hispanic sinh sống nhất như California, Florida, Nevada và Arizona cũng là những bang có giá nhà ở sụt giảm mạnh nhất. Điều đó lý giải tại sao người Hispanic phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất khi cơn bão khủng hoảng quét qua. Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp dài hạn tăng và sự bấp bênh của các nguồn thu nhập-hệ quả của kinh tế suy thoái-cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm tài sản.

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 6 vừa qua, có 16,2% người da màu bị thất nghiệp, so với 11,6% người Hispanic và 8,1% người da trắng. Rất nhiều người Hispanic không có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khác được Pew công bố năm 2010, thậm chí cả những người có việc làm cũng không giữ được khoản thu nhập ổn định. Nguyên nhân cũng lại là do suy thoái kinh tế khiến các chủ doanh nghiệp phải giảm giờ lao động, kéo theo suy giảm thu nhập của người lao động.

Ông Daniel Costa, nhà phân tích chính sách nhập cư thuộc Viện Chính sách kinh tế của Mỹ, cho rằng khoảng cách giàu nghèo chỉ được cải thiện khi các nhà lãnh đạo của Mỹ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm một cách thông minh, đầu tư các dự án cho các cộng đồng bị ảnh hưởng mạnh từ suy thoái. Theo ông Costa, báo cáo của Pew lại một lần nữa nhắc nhở Chính phủ Mỹ hãy quan tâm hơn nữa đến nhu cầu, nguyện vọng của người dân và cảnh báo đừng để khoảng cách giàu nghèo biến thành “vũ khí” tiêu cực chia đôi nước Mỹ.

About this publication