Has the US Shifted Strategic Direction in Ukraine?

<--

Với những tuyên bố mới từ lãnh đạo Lầu Năm Góc, chính quyền Mỹ phát đi tín hiệu về sự chuyển hướng chiến lược tại Ukraine, dự báo về cuộc cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng lâu dài với Nga.

Trong một cuộc họp báo tại Ba Lan hôm 25.4 ngay sau chuyến thăm Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LLoyd Austin nói Washington muốn thấy Nga “suy yếu” về mặt quân sự và không thể phục hồi nhanh chóng. Tuyên bố này gợi ý rõ ràng hơn về sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ đối với xung đột tại Ukraine.

Mỹ muốn “làm suy yếu” Nga

Khi chiến sự vừa nổ ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden kiên định với lập trường rằng ông không muốn xung đột lan ra ngoài Ukraine, hay biến thành chiến tranh trực tiếp giữa Nga và Mỹ. “Đối đầu trực diện giữa NATO và Nga là Chiến tranh Thế giới lần thứ ba, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn chặn”, ông nói vào đầu tháng 3.

Ông đã cam kết không để quân đội Mỹ tham chiến và phản đối việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, động thái có nguy cơ khiến các lực lượng của Mỹ và Nga đụng độ trực tiếp. Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự ngày càng ác liệt và nhu cầu về vũ khí hạng nặng của Ukraine tăng lên, ranh giới trong những tuyên bố của chính quyền Mỹ ngày càng mờ đi. Đồng thời, bằng lời nói và hành động, Mỹ đang từng bước thúc đẩy theo hướng làm suy yếu quân đội Nga.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp cấm vận trừng phạt được thiết kế với mục tiêu rõ ràng là để ngăn quân đội Nga phát triển và sản xuất vũ khí mới. Mỹ đã hành động để cắt đứt nguồn thu từ dầu và khí đốt của Nga, dù chưa hoàn toàn thành công. Và bằng việc thiết lập mục tiêu là làm suy yếu quân đội Nga, ông Austin và những người khác trong chính quyền Biden đang trình bày rõ ràng hơn về tương lai mà họ dự báo: một cuộc cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng kéo dài nhiều năm với Moscow.

“Chúng tôi muốn thấy Nga bị suy yếu đến mức không thể làm những việc mà họ đã làm” tại Ukraine, ông Austin nói với các phóng viên tại Ba Lan. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đi cùng ông Austin tới Kyiv, đồng ý với người đứng đầu Lầu Năm Góc: “Tôi nghĩ ngài bộ trưởng (Austin) đã nói rất rõ rồi”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng nói rằng phát biểu của ông Austin tại Ba Lan nhất quán với các mục tiêu Mỹ đã đặt ra trong nhiều tháng – đó là biến “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine thành “thất bại chiến lược đối với Nga”, theo CNN.

“Chúng tôi muốn Ukraine giành chiến thắng”, người phát ngôn cho biết. “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là hạn chế khả năng Nga tái diễn những hành động tương tự”.

Sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ đã diễn ra trong vài tuần qua, với bằng chứng là việc Mỹ và nhiều nước NATO gửi các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine bất chấp việc Nga có thể cho rằng đây là hành động tham chiến. Khi ông Austin và ông Blinken họp báo ở Ba Lan, những khẩu lựu pháo đầu tiên trong khoản viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ đã đến Ukraine, và chính quyền Biden cũng công bố việc bổ sung đạn pháo cho Kyiv bằng khoản viện trợ mới 165 triệu USD.

Các quan chức chính quyền Biden nói với CNN họ tin rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine về quân sự có thể dẫn đến những đòn giáng mạnh vào Nga, làm suy giảm năng lực quân sự của Moscow về lâu dài, và mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ.

Sự chuyển hướng này cũng phản ánh niềm tin của Mỹ là Moscow sẽ không dừng lại ở Ukraine sau khi giành quyền kiểm soát một số khu vực của nước này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 25.4 nói với các phóng viên rằng mặc dù “rõ ràng là hiện tại cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine”, Mỹ và các đồng minh “cũng đang tìm cách ngăn cản (Nga) mở rộng các nỗ lực của họ cũng như các mục tiêu của Tổng thống Putin ra ngoài Ukraine”.

Tác động lan rộng của chiến sự tại Ukraine là chủ đề đã được tranh luận trong nội bộ NATO lâu nay, nhưng chưa thấy luồng quan điểm nào vượt trội hơn. Giờ đây, sự lên tiếng công khai của Mỹ có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với cách tiếp cận của NATO.

“Thế cân bằng trong chính NATO nay đã thay đổi”, Rajan Menon, giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia (Mỹ), nói với báo The Guardian. “Lập luận bây giờ dường như đây không chỉ là chuyện của mỗi Ukraine mà là một vấn đề lớn hơn, là mối đe dọa mà Nga gây ra cho toàn bộ châu Âu”.

“Một khi Washington nói ra điều đó, những nước trong NATO vốn cũng nghĩ chiến tranh sẽ diễn ra theo hướng như vậy sẽ có tiếng nói hơn, bởi vì những gì Mỹ nói luôn được coi trọng”, ông Memon bình luận.

Song sự thay đổi chiến lược của Mỹ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Viễn cảnh “Thế chiến 3”

“Ranh giới ở đây rất hẹp một khi bước vào”, James Arroyo, cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Anh, hiện là giám đốc Quỹ Ditchley, nhận xét trên tờ The New York Times. “Rủi ro là việc ‘làm suy giảm sức mạnh quân sự của Nga’ có thể dễ dàng biến thành làm suy yếu Nga nói chung với tư cách một cường quốc, và ông Putin sẽ lợi dụng điều này để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc”.

Rủi ro thứ hai là nếu ông Putin tin rằng các lực lượng quân sự thông thường của Nga đang bị bóp nghẹt, ông sẽ chuyển sang tấn công mạng cơ sở hạ tầng của phương Tây, chuyển sang sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật dùng cho “chiến trường”. Đây là khả năng khó có thể tưởng tượng được cách đây 8 tuần, nhưng hiện nay thường xuyên được thảo luận.

“Không ai có thể xem nhẹ mối đe dọa từ việc Nga có thể chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân có sức công phá nhỏ”, William J. Burns, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã cảnh báo vào đầu tháng này.

Ông nói khả năng việc này xảy ra là thấp. Song trong số các kịch bản có thể xảy ra mà giới chức Mỹ đang xem xét, có một kịch bản trong đó Nga cho tiến hành một vụ nổ hạt nhân “trình diễn” ở biển Đen hoặc một khu vực không có dân cư, như là phát súng cảnh cáo để phương Tây lùi lại.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết không rõ liệu tuyên bố của Bộ trưởng Austin phản ánh sự thay đổi chiến lược hay chỉ là “trình bày rõ ràng hơn” về một quan điểm hiện có. Song nếu đây thực sự là mục tiêu mới của Mỹ, việc công khai nói như vậy cũng gây tranh cãi vì Moscow sẽ có thêm lý do để cáo buộc rằng NATO đang tiến hành chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước hôm 25.4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân, tức Thế chiến 3, là “có thật” và không ai được phép đánh giá thấp mối nguy này. Ông đồng thời nhắc lại lập trường của Moscow về việc NATO viện trợ vũ khí cho Kyiv.

“Về bản chất, NATO đã bước vào chiến tranh với Nga bằng con đường ủy nhiệm và đang trang bị vũ khí cho bên được ủy nhiệm đó. Chiến tranh là chiến tranh”, ông Lavrov cảnh báo Mỹ và phương Tây, theo Reuters.

About this publication