U.S. Must Accept Responsibility for the Victims of Agent Orange

<--

Nước Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân da cam Việt Nam (17/07/2010)

14 giờ (giờ Washington) ngày 15-7 tại Thủ đô nước Mỹ đã diễn ra phiên điều trần về chất độc da cam dioxin tại Việt Nam. Đây là một phiên điều trần thành công của đoàn Việt Nam- theo đánh giá của những người tham dự

Người đã dự hai trong số ba phiên điều trần về vấn đề chất da cam dioxin mà Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) đã kêu gọi: Quốc hội cũng như các giới chức Mỹ và các tổ chức phi chính phủ tại Mỹ hãy hành động nhiều và thiết thực hơn nữa vì 3 triệu nạn nhân chất độc da cam dioxin của việt Nam. Không nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ y tế cho công tác chăm sóc, phục hồi nạn nhân da cam; mà quan trọng hơn là việc giúp Việt Nam tẩy sạch những địa điểm bị ô nhiễm nặng bởi chất dioxin. Trong khoảng 10 năm từ 1961 đến 1971, đã có khoảng 10 triệu lít chất độc da cam có chứa dioxin do các công ty hoá chất Mỹ sản xuất, được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam. Theo số liệu mà Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) đưa ra, phải cần tới khoảng 5 triệu đô la (xấp xỉ 4 triệu euro) may ra mới có thể làm sạch thứ chất nguy hiểm kể trên ở Việt Nam. Cũng theo báo cáo của UNDP ba địa chỉ cần được “làm sạch” trong thời gian tới là khu vực xung quanh sân bay Biên Hoà, cũng như khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng và Phù Cát. Đó là với môi trường cảnh quan; còn đối với con người thì tác hại và hậu quả mà chất da cam dioxin mang lại còn nặng nề hơn nhiều lần. Ngay trong phiên điều trần thứ 3 vừa được tổ chức tại Washington, bà Phượng cũng tiếp tục yêu cầu các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất ra thứ chất độc chết người dioxin phải thừa nhận trách nhiệm của mình với các nạn nhân Việt Nam và hỗ trợ họ một cách hiệu quả và kịp thời. Em Trần Thị Hoan, nạn nhân da cam dioxin Việt Nam đầu tiên có mặt tại phiên điều trần trong Quốc hội Mỹ, thông qua câu chuyện của mình đã bày tỏ mong muốn không chỉ người dân mà quan trọng hơn là Chính phủ Mỹ hiểu rõ tác hại của chất độc da cam và nỗi đau của những nạn nhân như em phải gánh chịu hàng ngày, hàng giờ. Chính phủ Mỹ hãy nhanh chóng tẩy rửa môi trường để những thế hệ sau này sinh ra không phải chịu hậu quả giống như em.

Cũng trong phiên điều trần kể trên, ông Matthew Palmer, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, và tiến sĩ John Wilson, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Bộ phận phụ trách các vấn đề châu Á và Trung Đông thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ, đã trình bày thêm thông tin về sự hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nạn nhân chất độc da cam dioxin ở Việt Nam để qua đó, các nhà lập pháp Mỹ có thể nghiên cứu việc tài trợ liên quan. Hạ nghị sĩ Mỹ Eni F. H. Faleomaveaga- người đề xuất và điều hành cả ba phiên điều trần về vấn đề chất da cam dioxin nêu trên khẳng định, bài phát biểu của bác sĩ Phượng đã cung cấp rất nhiều thông tin khoa học về chất dioxin tại Việt Nam.

Ông Palmer, ngay tại phiên điều trần, đã thừa nhận vấn đề da cam dioxin từng là chuyện khá tế nhị trong quan hệ Mỹ-Việt; nhưng giờ đây hai nước đang chuyển từ đối thoại tới những cải thiện thực chất về môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam.

H.M

About this publication